Đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên-giảng viên; Đàotạo nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cao đẳng đại học;Đào tạo quản lý hành chính nhà nước-quản lý giáo dục
Tin nhanh ve luyen thi, dao tao TOEFL-ITP

Nội dung thông tư số 2102 về việc thi giảng viên chính và giảng viên cao cấp

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

—————

Số: 2102/BGDĐT-NGCBQLCSGD

V/v tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), giảng viên chính (hạng II) năm 2016

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

              

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016

 

Kính gửi:

      - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

      - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

      - Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng công lập.

          Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (Thông tư số 12/2012/TT-BNV); Công văn số 1732/BNV-CCVC ngày 15/4/2016 của Bộ Nội vụ về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể một số nội dung trong việc tổ chức thi thăng hạng từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I) trong các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là các trường đại học) và các trường cao đẳng công lập năm 2016 như sau:

I. THI THĂNG HẠNG TỪ GIẢNG VIÊN (HẠNG III) LÊN GIẢNG VIÊN CHÍNH (HẠNG II)

          1. Đối tượng dự thi

Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03, đang làm công tác giảng dạy tại các các trường đại học, trường cao đẳng công lập.

          2. Điều kiện dự thi

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Trường đại học, trường cao đẳng có nhu cầu;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục gần nhất (năm 2013, năm 2014, năm 2015) và tới thời điểm cử dự thi; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không đang trong thời gian cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;

c) Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;

đ) Có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập (Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV), cụ thể như sau:

- Chủ trì thực hiện ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;

- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 01 sách phục vụ đào tạo (giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt) được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo;

- Có ít nhất 03 bài báo khoa học đã được công bố (bao gồm: Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học; báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được đăng tải trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ).

e) Viên chức dự thi phải có thời gian giữ ngạch giảng viên, mã số: 15.111 hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm đối với người có bằng thạc sĩ, 06 năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó thời gian gần nhất giữ ngạch giảng viên, mã số: 15.111 tối thiểu là 02 năm.

Viên chức trước khi đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số: V.07.01.02 phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số: V.07.01.03 quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV. Việc thực hiện bổ nhiệm theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 06/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

          3. Hình thức, nội dung và thời gian thi

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính phải dự thi đủ các bài thi sau:

a) Bài thi kiến thức chung:

- Nội dung thi: Kiểm tra những hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng; xu hướng quốc tế, chiến lược, chính sách phát triển giáo dục đại học của Việt Nam; vấn đề đổi mới quản lý giáo dục đại học và quản trị nhà trường; các chính sách và quản lý nhà nước về giáo dục đại học; quan điểm, định hướng chiến lược phát triển của ngành/chuyên ngành đào tạo và của nhà trường; pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính.

- Hình thức thi: Viết

- Thời gian thi: 180 phút.

b) Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ:

- Nội dung thi: Viên chức dự thi chuẩn bị bản báo cáo dưới dạng một công trình khoa học tổng quan về kết quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bản thân từ khi được bổ nhiệm vào chức danh đang giữ cho đến thời điểm đăng ký dự thi thăng hạng. Nội dung của báo cáo tổng quan bao gồm các nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp dự thi quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV.

Viên chức dự thi phải trình bày tóm tắt bản báo cáo tổng quan trước Hội đồng và trả lời phỏng vấn của giám khảo.

Lưu ý: Các kết quả trình bày trong bản báo cáo tổng quan phải có tài liệu minh chứng cụ thể và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các minh chứng này.

- Hình thức thi: Thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp.

- Thời gian thuyết trình và phỏng vấn: 30 phút/người.

c) Bài thi ngoại ngữ:

- Nội dung thi: Kiểm tra các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, do viên chức đăng ký một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung.

Trường hợp là giảng viên dạy ngoại ngữ thì phải thi ngoại ngữ thứ 2 ở trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

- Hình thức thi: Viết và vấn đáp.

- Thời gian thi: Viết 90 phút; Vấn đáp không quá 15 phút (gồm chuẩn bị và trình bày).

d) Bài thi Tin học văn phòng:

- Nội dung thi: Kiểm tra hiểu biết về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

- Hình thức thi: Thực hành trên máy tính

- Thời gian thi: 45 phút.

4. Điều kiện miễn thi ngoại ngữ, tin học

a) Miễn thi bài thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

          - Viên chức có bằng đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;

          - Viên chức tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài.

b) Miễn thi bài thi tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.

5. Hồ sơ đăng ký dự thi

Hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) bao gồm:

a) Đơn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) (theo mẫu số 1a đính kèm);

b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-BNV, có xác nhận của cơ quan quản lý hoặc sử dụng viên chức (theo mẫu số 2 đính kèm);

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức không giữ chức vụ quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý (theo mẫu số 3a đính kèm);

d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, bao gồm:

- Bằng tiến sĩ hoặc bằng thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;

- Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.

đ) Bản kê khai các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, bài báo khoa học và biên soạn sách phục vụ đào tạo có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý (kèm theo bản sao các quyết định, biên bản nghiệm thu được cơ quan có thẩm quyền chứng thực và các sản phẩm).

Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi viên chức được bỏ vào một bì đựng riêng có kích thước 250 x 340 x 5 mm (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức).

6. Thủ tục và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và viên chức dự thi thăng hạng

a) Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thông báo công khai trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý về văn bản hướng dẫn tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) năm 2016 để mọi viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi.

b) Viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều có quyền đăng ký dự thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký dự thi.

c) Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ tuyển và cử viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả sơ tuyển. Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng lên giảng viên chính (hạng II) của Bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo phải do người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức ký, kèm theo danh sách viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi (theo mẫu số 4a đính kèm).

Hồ sơ đăng ký dự thi của viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng lên giảng viên chính (hạng II) được lưu giữ, quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 12/2012/TT-BNV.

Đối với các trường hợp được miễn thi bài thi ngoại ngữ và tin học, đề nghị Bộ, ngành, địa phương gửi kèm theo bản sao (được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực) các văn bằng, chứng chỉ làm căn cứ xét miễn thi bài thi ngoại ngữ, tin học theo quy định để Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

 

 

 

II. THI THĂNG HẠNG TỪ GIẢNG VIÊN CHÍNH (HẠNG II) LÊN GIẢNG VIÊN CAO CẤP (HẠNG I)

1. Đối tượng dự thi

Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02, đang làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, trường cao đẳng công lập.

2. Điều kiện dự thi

Viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Trường đại học, trường cao đẳng có nhu cầu;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục gần nhất (năm 2013, năm 2014, năm 2015) và tới thời điểm cử dự thi; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không đang trong thời gian cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;

c) Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;

đ) Có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, cụ thể như sau:

- Chủ trì thực hiện ít nhất 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;

- Hướng dẫn ít nhất 02 học viên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 01 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Đối với giảng viên giảng dạy các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, hướng dẫn 01 học viên bảo vệ thành công luận văn chuyên khoa cấp II tương đương với hướng dẫn 01 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Đối với giảng viên giảng dạy các ngành nghệ thuật có thể thay thế việc hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh bằng 01 công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng có uy tín trong và ngoài nước.

Đối với giảng viên không tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ thì số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu phải gấp hai lần số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã quy định.

- Chủ trì biên soạn ít nhất 02 sách phục vụ đào tạo (giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt) được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo;

- Có ít nhất 06 bài báo khoa học đã được công bố (bao gồm: Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học; báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được đăng tải trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ).

e) Viên chức dự thi phải có thời gian giữ ngạch giảng viên chính, mã số: 15.110 hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ ngạch giảng viên chính, mã số: 15.110 tối thiểu là 02 năm.

Viên chức trước khi đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số: V.07.01.01 phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số: V.07.01.02 quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV. Việc thực hiện bổ nhiệm theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 06/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

          3. Hình thức, nội dung và thời gian thi

Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp phải dự thi đủ các bài thi sau:

a) Bài thi kiến thức chung:

- Nội dung thi: Kiểm tra những hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng; xu hướng quốc tế, chiến lược, chính sách phát triển giáo dục đại học của Việt Nam; vấn đề đổi mới quản lý giáo dục đại học và quản trị nhà trường; các chính sách và quản lý nhà nước về giáo dục đại học; quan điểm, định hướng chiến lược phát triển của ngành/chuyên ngành đào tạo và của nhà trường; pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp.

- Hình thức thi: Viết

- Thời gian thi: 180 phút.

b) Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ:

- Nội dung thi: Viên chức dự thi chuẩn bị bản báo cáo dưới dạng một công trình khoa học tổng quan về kết quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bản thân từ khi được bổ nhiệm vào chức danh đang giữ cho đến thời điểm đăng ký dự thi thăng hạng. Nội dung của báo cáo tổng quan bao gồm các nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp dự thi quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV.

Viên chức dự thi phải trình bày tóm tắt bản báo cáo tổng quan trước Hội đồng và trả lời phỏng vấn của giám khảo một phần hoặc một số câu hỏi về nội dung báo cáo bằng tiếng nước ngoài do viên chức đăng ký một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung.

Lưu ý: Các kết quả trình bày trong bản báo cáo tổng quan phải có tài liệu minh chứng cụ thể và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các minh chứng này.

- Hình thức thi: Thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp.

- Thời gian thuyết trình và phỏng vấn: 30 phút/người.

4. Hồ sơ đăng ký dự thi

Hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) bao gồm:

a) Đơn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) (theo mẫu số 1b đính kèm);

b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-BNV, có xác nhận của cơ quan quản lý hoặc sử dụng viên chức (theo mẫu số 2 đính kèm);

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức không giữ chức vụ quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý (theo mẫu số 3b đính kèm);

d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, bao gồm:

- Bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;

- Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.

đ) Bản kê khai các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, bài báo khoa học và biên soạn sách phục vụ đào tạo, hướng dẫn học viên/nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ/luận án tiến sĩ theo quy định có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý (kèm theo bản sao các quyết định, biên bản nghiệm thu được cơ quan có thẩm quyền chứng thực và các sản phẩm).

Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi viên chức được bỏ vào một bì đựng riêng có kích thước 250 x 340 x 5 mm (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức).

          5. Thủ tục và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và viên chức dự thi thăng hạng

a) Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thông báo công khai trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý về văn bản hướng dẫn tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I) năm 2016 để mọi viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi.

b) Viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều có quyền đăng ký dự thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký dự thi.

c) Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ tuyển và cử viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả sơ tuyển. Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng lên giảng viên cao cấp (hạng I) của Bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo phải do người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức ký, kèm theo danh sách viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi (theo mẫu số 4b đính kèm).

Hồ sơ đăng ký dự thi của viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng lên giảng viên cao cấp (hạng I) phải gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp gửi Bộ Nội vụ lưu giữ và quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 12/2012/TT-BNV.

III. DỰ KIẾN THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC CÁC KỲ THI THĂNG HẠNG

1. Dự kiến thời gian tổ chức các kỳ thi thăng hạng

Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp dự kiến tổ chức vào quý IV năm 2016.

2. Dự kiến địa điểm tổ chức các kỳ thi thăng hạng

a) Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính: Dự kiến tổ chức thành 7 đợt tại 7 cụm thi như sau:

- Cụm thi số 1: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Tỉnh Thái Nguyên), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 11 tỉnh/thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Thái Nguyên.

- Cụm thi số 2: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Tp. Hà Nội), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 14 tỉnh/thành phố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.

- Cụm thi số 3: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Vinh (Nghệ An), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 4 tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

- Cụm thi số 4: Dự kiến tổ chức tại Đại học Đà Nẵng (Tp. Đà Nẵng), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 6 tỉnh/thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kon Tum.

- Cụm thi số 5: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 8 tỉnh/thành phố: Bình Định, Gia Lai, Phú yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận.

- Cụm thi số 6: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (Tp. Hồ Chí Minh), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 7 tỉnh/thành phố: Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh , Tây Ninh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Cụm thi số 7: Dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ (Tp. Cần Thơ), bao gồm các trường đóng trên địa bàn thuộc 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau.

b) Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp: Dự kiến tổ chức tập trung tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Tp. Hà Nội).

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai công văn này tới toàn thể viên chức giảng dạy trong các trường đại học, trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý được biết và đăng ký dự thi đảm bảo công khai, minh bạch.

Văn bản cử viên chức dự thi thăng hạng của Bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/7/2016 (theo dấu bưu điện nơi gửi) theo địa chỉ: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tòa nhà 8C, ngõ 30 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 04.3623.0603. Đề nghị Quý Đơn vị gửi bản mềm dưới dạng file *.xls với phông chữ Times New Roman qua địa chỉ email: trannga@moet.edu.vn. Quá thời hạn nêu trên đơn vị nào không gửi văn bản coi như không có nhu cầu dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2016.

 

Các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ tuyển và cử viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định gửi kèm công văn về Hội đồng thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ như trên và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả sơ tuyển.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Website Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, NGCBQLCSGD.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

Đã ký

 

 

 

 

Bùi Văn Ga

 

]]>

Tin tức khác

Phan mem quan ly ban hang,THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNVTHÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV
Phan mem quan ly ban hang,CÁC MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ VÀ THỰC TẬP CÁC MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ VÀ THỰC TẬP